Tổ chức đánh bạc trên sóng: Nhà đài "bán" sóng, công ty tin nhắn thao túng toàn bộ

Theo điều tra của Báo Thanh Niên, phần lớn các chương trình nhắn tin trúng thưởng được các công ty tin nhắn hợp tác với các đài truyền hình địa phương theo phương thức ăn chia trên số lượng tin nhắn phản hồi (tùy thuộc vào từng đài). Trong số các trò chơi về tin nhắn như tải nhạc, tư vấn, trò chơi trúng thưởng... thì trò chơi trúng thưởng là dịch vụ "hot" nhất và có rất nhiều người tham gia. Các đơn vị làm dịch vụ tin nhắn hợp tác với các đài truyền hình lớn nhất là VTC, FPT.

Giải thích về nguyên lý trúng thưởng của các trò chơi này, ông Phan Sào Nam - phụ trách bộ phận tin nhắn của VTC cho biết: "Ban đầu, chúng tôi xác định ra cơ cấu giải thưởng và trị giá giải thưởng. Sau đó, hệ thống sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên ra tin nhắn nào sẽ trúng giải". Trả lời câu hỏi: "Đơn vị nào thực hiện giám sát việc tin nhắn đó là ngẫu nhiên và việc trúng thưởng là công khai, minh bạch?", ông Nam cho biết: "Cho tới nay thì chưa có cơ quan nào giám sát việc này". Giải thích về yếu tố "ngẫu nhiên", ông Nam cho biết: "Ví dụ như chúng tôi xác định giải nhất là vào tin nhắn thứ 10.000 thì đúng đến tin nhắn thứ 10.000 hệ thống sẽ xác định số điện thoại người trúng giải. Ngoài ra còn có một số thuật toán khác...".

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một người trong ngành tin nhắn, về mặt nguyên tắc, nguyên tắc trúng thưởng khá đơn giản: khi doanh thu tin nhắn đạt đến mức độ nào đó thì sẽ có giải thưởng cho khách hàng. Tuy nhiên, do không có cơ quan nào kiểm soát việc trúng thưởng nên thuật toán này vẫn chỉ là nguyên tắc mà thôi. Tất cả các công ty tin nhắn đều có quyền kiểm soát 100% đối với giải thưởng và thích cho ai trúng giải cũng được. Thậm chí, công ty tin nhắn cũng có thể cho một số điện thoại trúng thưởng nhưng đó là một sim di động trả trước mới được mua (của chính công ty đó). Giải thưởng thực chất là quay về chính công ty. Đây cũng là lý do tại sao tất cả các công ty tin nhắn không bao giờ công bố rộng rãi và công khai tên, tuổi, địa chỉ của những người trúng giải thưởng lớn và không bao giờ công bố các danh sách trúng thưởng đầy đủ của khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vị này tiết lộ: "Các giải thưởng như xe Piagio, giải thưởng bằng tiền trị giá 50 triệu đồng, 30 triệu đồng... chỉ là bánh vẽ mà thôi. Khách hàng gần như không bao giờ trúng các giải thưởng này mà chỉ trúng các giải 10.000 đồng, 20.000 đồng". Ông này nhận xét: "Khi tham gia trò chơi trúng thưởng, yếu tố ngẫu nhiên phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, nếu làm đúng nguyên tắc của các công ty tin nhắn hiện nay là doanh thu đến một mức nào đó thì mới có người trúng thưởng thì cũng là vi phạm nguyên tắc của trò chơi trúng thưởng rồi vì trò chơi với phần lợi đứng hoàn toàn về phía công ty tổ chức, không có yếu tố ngẫu nhiên. Thế nhưng, các công ty tin nhắn còn đi xa hơn, họ thậm chí còn không thực sự trao giải thưởng và các nguyên tắc về trúng thưởng thường không được công bố hoặc công bố rất mù mờ. Khách hàng bị móc túi thực sự chứ không phải là tham gia trò chơi".

Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều 1.3, một lãnh đạo cấp cao của Đài truyền hình Hà Tây (phụ trách phần dịch vụ hợp tác tin nhắn) cho biết: "Thực ra thì chúng tôi không trực tiếp tham gia vào các trò chơi trúng thưởng. Chúng tôi chỉ cung cấp sóng cho các công ty tin nhắn mà thôi. Các công ty tin nhắn thực hiện hoàn toàn phần nội dung của trò chơi, giám sát trò chơi và thực hiện luôn việc trao thưởng". Theo điều tra của Báo Thanh Niên, các đài truyền hình địa phương khác cũng thực hiện tương tự như Đài truyền hình Hà Tây: nhà đài chỉ bán sóng, công ty tin nhắn thao túng toàn bộ trò chơi.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM: Nhà đài và đơn vị tổ chức đã có hành vi "tổ chức đánh bạc"

Điều đầu tiên phải nói rằng nhà đài và công ty tổ chức đã tổ chức đánh bạc. Nếu họ chỉ nhận những tin nhắn với giá thông thường là vài trăm đồng/tin nhắn để đố vui với phần thưởng là những món quà nhằm mục đích thu hút bạn xem đài thì có thể ý nghĩa khác. Đằng này, họ thu cao hơn bình thường (2.000 đồng - 5.000 đồng/tin nhắn) của người xem đài và trao giải thưởng những phần quà trị giá hàng triệu đồng, về bản chất đó là hành vi "tổ chức đánh bạc". Xin lưu ý là hình thức này giống y như số đề. Vấn đề đặt ra là việc nhà đài và công ty tổ chức có được phép của cơ quan có thẩm quyền hay không? Nếu như không có phép thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Còn nếu như họ được phép thì đây là một điều bất hợp lý lớn. Bởi lẽ họ được phép cá cược hợp pháp trong khi hiện nay đề án cá cược bóng đá vẫn chưa được phê chuẩn mặc dù đệ trình đã lâu.

Luật sư Lưu Văn Tám - Trưởng văn phòng Luật sư Thái Hà: Cần xem lại cơ quan cấp phép có thẩm quyền hay không?

Theo quan điểm của tôi, cần xem lại việc phát sóng những chương trình như vậy có được phép hay không? Nếu chương trình đã được phép thì cũng cần xem lại thẩm quyền của những người cấp phép đó có đúng hay không? Trước khi đưa lên cơ quan ngôn luận bất cứ một thông tin gì cũng phải được kiểm duyệt thông qua rất nhiều cơ quan, nhiều ban bệ. Song tôi cho rằng việc kiểm duyệt chương trình trên là có vấn đề. Cũng có thể người kiểm duyệt cũng không biết được chương trình trên có vi phạm pháp luật hay không? Theo tôi được biết thì chương trình "dự đoán qua sóng" có lợi nhuận rất lớn vì vậy một vấn đề khác cũng cần xem xét lại là các đơn vị thu lợi nhuận trên có nộp thuế cho Nhà nước hay là lập ra quỹ này quỹ nọ chia chác nhau? Nếu như họ không nộp thuế thì vụ việc có thể còn phức tạp hơn.